STP Group bàn giao cụm lồng HDPE nuôi trồng thủy sản đầu tiên tại Quảng Nam

Ngày 4/4, tại xã Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam), Tập đoàn STP (STP Group) tổ chức Lễ bàn giao và hạ thủy “Cụm lồng nuôi trồng thủy sản Núi Thành” cho chủ đầu tư Dự án là bà Nguyễn Thị Nở, người tiên phong tại xã Tam Hải đưa các cụm lồng HDPE vào nuôi thủy sản.

Tập đoàn STP bàn giao “Cụm lồng nuôi trồng thủy sản Núi Thành” cho chủ đầu tư Dự án.

“Cụm lồng HDPE Nuôi trồng thủy sản Núi Thành – Quảng Nam” bao gồm: cụm 04 và 06 ô lồng vuông HDPE, kích thước 5 x 5m; cụm 02 hoặc 04 ô lồng chữ nhật HDPE, kích thước 5 x 10m; ô lồng tròn HDPE đường kính 12m, tối ưu thể tích nuôi thủy sản.

Bà Nguyễn Thị Nở – Người tiên phong tại xã Tam Hải đưa các cụm lồng HDPE vào nuôi thủy sản vui mừng cho biết: Được sự hỗ trợ của STP Group, gia đình đã đầu tư trên 1 tỷ đồng để xây dựng 6 cụm lồng HDPE. Cụm lồng HDPE này rất tốt, rất bền, chịu được bão cấp 12, có thể sử dụng trên 20 năm (theo giới thiệu là 50 năm), trong khi lồng gỗ truyền thống chỉ sử dụng nuôi trồng thủy sản trong 4-5 năm.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Ngô Tấn, PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng, đây là giấc mơ của người dân  tỉnh Quảng Nam. Đây là một trong những nội dung khuyến khích phát triển nuôi thủy sản, hướng đến xuất khẩu thủy sản. Mô hình lồng HDPE ứng phó được với bão cấp 12.

Cụm lồng HDPE muôi trồng thủy sản Núi Thành – Quảng Nam

Ông Đỗ Ngọc Vinh, Giám đốc STP Minh Quang thuộc STP Group, chia sẻ: Cụm lồng HDPE nuôi trồng thủy sản đầu tiên tại Tam Hải đi đúng với tinh thần của Kế hoạch Nuôi biển Số 3948/KH của UBND tỉnh Quảng Nam được bàn giao tới ngư dân.

Buổi lễ không chỉ thể hiện cho sự đồng hành của STP Group mà còn thể hiện tính khả thi của “Kế hoạch Nuôi biển” tỉnh Quảng Nam khi đi vào đời sống. STP cam kết là doanh nghiệp tiên phong cùng Quảng Nam và ngư dân đưa lồng bè HDPE chất lượng cao ra tới biển. Trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ quan trọng của STP Group là đóng gói sản phẩm, nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững trong cả nước và xuất khẩu tại thị trường Đông Nam Á. Mỗi sản phẩm, mỗi dự án lồng bè nuôi trồng thủy sản của STP Group ra biển đều là 1 niềm tự hào gắn liền với sứ mệnh “Xây dựng chuỗi kinh tế xanh” của chúng tôi.

Được biết, thực hiện Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển (sau đây gọi tắt là kế hoạch nuôi biển) tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với mục tiêu phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô công nghiệp, hiện đại, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao; bảo vệ môi trường sinh thái; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế – xã hội và thu nhập của cộng đồng cư dân ven biển, góp phần bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo, “Kế hoạch Nuôi biển” tỉnh Quảng Nam đưa ra các hành động rất cụ thể. Đặc biệt trong đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nhệ vào nuôi biển là một trong những ưu tiên hàng đầu để đưa người ngư dân thành những nguồn nhân lực đáp ứng được hội nhập quốc tế.

Cho đến nay, Quảng Nam luôn thể hiện sự tích cực và tiềm năng lớn trong nuôi trồng thủy sản qua sự tâm huyết của lãnh đạo tỉnh và sự dám nghĩ – dám làm của người dân.

Tuy còn là những bước đi sơ khai, nhưng Quảng Nam đã mạnh dạn trong việc tuyên truyền “Kế hoạch nuôi biển”, đẩy mạnh quy hoạch, từ đó, tạo sự yên tâm cho ngư dân hoạt động nuôi trồng thủy sản sẵn sàng đầu tư cho cơ nghiệp vững bền và góp phần bảo vệ môi trường biển – môi trường sông ngòi trù phú của Quảng Nam.

Mục tiêu đến hết năm 2030, Quảng Nam cần đạt tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tới 540ha, trong đó, 400.000m3 lồng – giàn cần ứng dụng các công nghệ tiên tiến như lồng HDPE, mang lại tổng giá trị sản xuất cần đạt là 1.100 tỷ đồng. Mô hình nuôi trồng thủy sản bằng các công nghệ Lồng HDPE đã và đang dần đi vào đời sống, phần nào chứng minh cho tĩnh thực tiễn của Kế hoạch nuôi biển Số 3948/KH-UBND tỉnh Quảng Nam và tư duy hội nhập của người dân tỉnh.

Nguồn: Tạp chí kinh tế nông thôn.